Bong da

Hậu trường 360

Thư giãn: Sức mạnh của sự ảo tưởng

Cập nhật: 18/01/2016 08:51 | 0

U23 Việt Nam thua đối thủ mạnh Jordan 1-3. Lập tức, trên mạng xã hội, xuất hiện một cơn bão chỉ trích lối chơi, chiến thuật, các phương án nhân sự của thày trò HLV Toshiya Miura. Theo các nhà khí tượng mạng, điểm hình thành nên cơn bão này là sự ảo tưởng của đám đông.

 

Các đội bóng Tây Á dự VCK U23 châu Á đều thuộc loại “hổ báo”, không dễ để cộng đồng mạng Việt Nam đánh bại bằng các ảo tưởng về năng lực đội nhà.

Trước hết, cần nói lại cho rõ rằng giải đấu mà U23 Việt Nam đang tham dự là VCK U23 châu Á chứ không phải SEA Games, và đối thủ đánh bại chúng ta là Jordan, ứng viên hàng đầu cho chiếc vé vào tứ kết. Thế nhưng, bất chấp những dữ liệu đó, cơn bão chửi bới cứ “automatic” hình thành, như thể U23 Việt Nam thảm bại 0-6 trước đội Brunei vậy.

Sự tự tin là yếu tố cực kỳ cần thiết, nhất là đối với người Việt Nam bởi lâu nay, chúng ta thường tự ti hơn là tự tin. Ngay thời điểm này, chúng ta không còn tự tin khi nói về những thế mạnh của mình ngay trong khu vực nữa. Chẳng hạn như về du lịch.

Được thiên nhiên ưu đãi, có thế nói Việt Nam sở hữu thế mạnh du lịch chẳng kém nước nào trên thế giới. Thế nhưng hiện nay, du lịch Việt Nam hoàn toàn tự ti khi so sánh với Thái Lan, Malaysia, thậm chí chẳng dám ngẩng mặt nhìn “2 cậu em” là Campuchia và Lào, những điểm đến được du khách nước ngoài ưa thích chọn sẽ quay lại thay vì “không có lần thứ hai” với lựa chọn Việt Nam.

Thiên nhiên Việt Nam đẹp nhưng con người đầy tự ti, bởi đến slogan quảng bá cũng vô cùng dè dặt “Vẻ đẹp tiềm ẩn”. Trong bối cảnh, du khách càng ngày càng thực dụng, đòi hỏi sự hưởng thụ cao thì chúng ta chỉ e thẹn cung cấp cho họ “vẻ đẹp tiềm ẩn, vẻ xấu phô bày” thì thua là đúng. 

Hoặc như lúa gạo và nông sản. Trước đây, chúng ta cũng rất đỗi tự tin xen hào khi đứng nhất nhì thế giới về mảng xuất khẩu lúa gạo. Nhưng giờ thì thế nào? Đến Campuchia cũng đã vượt mặt Việt Nam về chuyện làm thương hiệu lúa gạo để cung cấp cho các thị trường khó tính nhưng giàu có.

Nói nôm na thế này, dù đi sau, nhưng Campuchia đã có vài thương hiệu gạo hễ nhắc đến là biết là gạo ngon xuất xứ Chùa Tháp, chứ không như Việt Nam, xuất khẩu ồ ạt nhưng chẳng ai biết mặt, biết tên. Đương nhiên, giá một ký lô gạo “hàng hiệu Campuchia” bán ở các siêu thị châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản… cao hơn rất nhiều so với những triệu triệu tấn gạo vô danh Việt Nam, như kiểu so sánh thu nhập giữa nhà hàng gắn sao Michelin với quán cơm bụi vậy.

Không những thế, chúng ta cũng ngày càng tự ti khi thấy gạo Campuchia, gạo Thái Lan lấn át gạo Việt ngay tại sân nhà. Tại sao, chúng ta lại phải ăn gạo Việt khi chất lượng gạo ngoại tốt hơn, đẹp hơn mà giá cả không quá chênh lệch. Đường mía, trái cây… đều chung số phận tương tự.

Rõ ràng, bấy lâu nay, người Việt ảo tưởng về sức mạnh của mình nặng nề quá. “Thiên nhiên tươi đẹp, tài nguyên phong phú, con người cần cù lao động”, định nghĩa mặc định về đất nước - con người Việt Nam từ xưa tới giờ đã khiến chúng ta ảo tưởng về sự giàu đẹp của mình. Với lợi thế hùng hồn như vậy, rõ ràng chuyện U23 Việt Nam để thua U23 Jordan là chuyện không được, bởi cách đây 1 năm, chúng ta còn đánh bại Iran cơ mà. “HLV bất tài. Cầu thủ Việt Nam kém. Tại sao không tấn công ồ ạt mà phòng thủ nhiều lớp trước một Jordan chứ mấy?”… là những gì NHM ồ ạt bung ra sau thất bại.

Xin hãy tỉnh lại và nhớ rằng đây là VCK U23 châu Á và đối thủ đều là những đội bóng Tây Á phát triển hơn bóng đá Việt Nam rất nhiều. Cũng xin nhớ rằng, những chiến thắng hiếm hoi của chúng ta trước các đối thủ Tây Á đa phần mang tính may mắn, không lột tả được bản chất: chúng ta mạnh hơn họ. 

Hãy cổ vũ U23 Việt Nam ở hành trình đầy khó khăn này, thay vì chửi bới, chỉ trích họ. Đừng ảo tưởng sức mạnh của U23 Việt Nam là mạnh nhất thế giới, rằng chúng ta xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, rằng du lịch Việt Nam có tiềm năng nhất thế giới.  

(theo báo bóng đá điện tử)