Bong da

Quốc tế

Siêu kinh điển Nam Mỹ: Brazil và Argentina "làm kinh tế"

Cập nhật: 13/10/2014 09:57 | 0

Trận siêu kinh điển của bóng đá Nam Mỹ diễn ra không đúng thời điểm, nhưng điều đó không quan trọng. Cái quan trọng nhất là tiền và sự hài lòng của khán giả.

Siêu kinh điển Nam Mỹ: Brazil và Argentina
Siêu kinh điển Nam Mỹ: Brazil và Argentina "làm kinh tế"
Khách hàng là Thượng đế, mà Thượng đế đã muốn thì cũng tức là trời muốn!

Tuyển Brazil phải đá giao hữu ở nước ngoài, rõ hơn là những nơi khán giả đến sân xem Neymar, David Luiz, Oscar hay Kaka cũng giống các fan cuồng K-Pop xỉu lên xỉu xuống khi tận mắt thấy thần tượng bằng xương bằng thịt. LĐBĐ Brazil (CBF) được trả khoảng 1 triệu USD sau mỗi trận đấu của Selecao. Brazil không thành công ở các giải lớn là một chuyện, nhưng CBF xứng đáng được khen ngợi về khả năng làm kinh tế trong một thế giới mới xem thương mại hóa là đỉnh cao của mọi đỉnh cao, bất chấp các giá trị truyền thống khác. 

Thời bây giờ, chuyện các cô người như trần như nhộng ưỡn ẹo bên cạnh những chiếc xe mới xuất xưởng là bắt buộc phải có. Không cần biết chất lượng xe ra sao, chỉ cần người mẫu “hot”, chịu chơi là thắng lợi bước đầu, mặc kệ thiên hạ cứ nguyền rủa về giá trị đạo đức bị xói mòn. Thế nhưng, cô nàng bị dư luận ném đá là Can Lộ Lộ nói cũng có phần đúng: “Chỉ những kẻ đạo đức giả mới không muốn xem tôi gần như khỏa thân bên cạnh một chiếc siêu xe”.   

 
CBF “phát minh” ra chiêu thức đưa Brazil ra nước ngoài đá giao hữu để kiếm tiền. Argentina cũng bắt chước, rồi đến Uruguay, Paraguay… Ở châu Âu, tranh thủ nghỉ đông là các đội như Real Madrid hay Bayern Munich làm một chuyến du đấu Trung Đông kiếm cả triệu, thậm chí vài triệu USD. M.U mùa này không được dự Champions League, lại bị loại sớm khỏi League Cup nên có thời gian rảnh khi các đội khác đá cúp. Thế là họ lập tức lên kế hoạch du đấu ngắn hạn (1 trận), cũng giống siêu sao điện ảnh Anh Hugh Grant “tranh thủ” đùa vui với cô gái làng chơi Divine Brown ở Đại lộ Hoàng hôn. Kết quả là sau đó cuộc tình giữa Grant và Liz Hurley cũng chìm vào hoàng hôn luôn! 

Các đội tuyển như Brazil, Argentina may mắn hơn, vì giới hâm mộ Selecao và Albiceleste dù tức giận nhưng không “ly dị” luôn tình yêu bóng đá của họ. Messi, Neymar và các ngôi sao của Brazil, Argentina cứ việc bực tức và mệt mỏi, song nghĩa vụ quốc gia không được phép từ chối. Trừ khi bạn là Neymar hay Messi, nếu không cái giá phải trả cho việc không đá cho đội tuyển có thể sẽ là án treo giò vĩnh viễn đối với sự nghiệp thi đấu quốc tế. 

HLV Carlos Dunga của Selecao có quyền than thở là “tôi chỉ muốn trận đấu mau chóng qua đi, vì thật khó chịu khi phải sống trong khách sạn 22 giờ mỗi ngày”, bởi các tuyển thủ Selecao không thể ra ngoài khi lúc nào cũng bị fan bu vây quanh, hơn nữa không khí ở Bắc Kinh (TQ) ô nhiễm kinh khủng.

Brazil vừa đại bại ở World Cup 2014. Argentina tuy vào chung kết nhưng cũng buồn không ít vì lẽ ra đã có thể thắng Đức nếu tận dụng tốt không dưới 3 cơ hội ghi bàn. Đây là thời điểm mà các ngôi sao của Selecao và Albiceleste không muốn chiếc áo đội tuyển và một trận giao hữu có thể chỉ để vỗ béo cho các quan chức LĐBĐ (chứ chưa chắc ích nước lợi nhà cho sự phát triển nền bóng đá), nhưng tất cả vừa phải chiến một trận ra trò ở SVĐ QG Bắc Kinh (TQ). 

Bóng đá thế giới đang bị đẩy đến cực đại của điên rồ, nhưng đó là quy luật chung không chỉ trong môn thể thao số một hành tinh. Thôi thì, đành tự an ủi như lời Bill Gates: “Có những chuyện tưởng như điên rồ nhưng nếu xảy ra quá thường xuyên thì chẳng còn điên rồ nữa. Muốn sống thọ, con người nên học cách thích nghi thay vì phàn nàn, chỉ trích”.     


(báo bóng đá)