Bong da

Anh

Trường hợp đặc biệt của Adnan Januzaj

Cập nhật: 21/02/2014 00:07 | 0

Adnan Januzaj là một trường hợp rất đặc biệt trong bóng đá khi anh có thể chọn một trong... 5 ĐTQG để thi đấu sự nghiệp quốc tế. Thế nhưng, khi mà tài năng trẻ mới 19 tuổi này còn tỏ ra phân vân thì Liên đoàn bóng đá Kosovo lại tỏ ra ráo riết săn đón anh bằng được.

Trường hợp đặc biệt của Adnan Januzaj
Trường hợp đặc biệt của Adnan Januzaj
Hoàn cảnh của Januzaj đúng là rất đặc biệt. Tài năng của anh cũng được chứng tỏ từ rất sớm trong màu áo M.U. Do đó, Januzaj chọn thi đấu cho quốc gia nào đang nhận được sự chú ý đặc biệt không kém.
 
Januzaj không được chọn năm sinh. Anh cũng không được chọn ra nơi sinh chắc chắn. Nhưng anh có quyền được chọn đội tuyển quốc gia để thi đấu. Anh, Kosovo, Bỉ, Albania, Thổ Nhĩ Kỳ đều muốn có được anh. Đó cũng là lý do mà cầu thủ 19 tuổi này đang bị giành qua giật lại đến khổ sở. Tuy nhiên, đúng như Daily Mail mô tả, mỗi quốc gia chỉ sở hữu một nửa cơ hội trong cuộc tranh giành Adnan Januzaj.
 
Người Anh cũng muốn Januzaj khoác áo ĐT Anh
 
Với Kosovo, những bất ổn về chính trị khiến Liên Hiệp Quốc không công nhận chủ quyền lãnh thổ, khiến cho liên đoàn bóng đá quốc gia này cũng không nhận được sự hậu thuẫn làm thành viên chính thức của FIFA. Họ khó có thể chơi trận giao hữu với Haiti vào tháng 3 tới. Đó sẽ là trận đấu quốc tế đầu tiên của Januzaj cùng nhiều cảm xúc bên lề nữa. Gia đình anh từng trải qua cuộc chiến giành độc lập của Kosovo những năm 90 của thế kỷ trước. Thi đấu cho Kosovo trong lần đầu tiên thi đấu quốc tế, đó là sự cao thượng và đáng kính nhưng cũng không nên ảnh hưởng đến quyết định của Januzaj.
 
Với Bỉ, đây là nơi ghi nhớ ngày sinh của anh, 5/2/1995. Với cơ sở ấy, Marc Wilmots, HLV trưởng đội tuyển Bỉ có cơ hội sở hữu anh hơn ai hết. Wilmots có thể nhắc lại cuộc tranh luận “người Anh là người Anh” mà Ray Clemence đã nêu ra về trường hợp Manuel Almunia năm 2008. 
 
Trong cuốn sách “Những điều bí mật của FA”, Clemence (cựu giám đốc phụ trách đối ngoại của FA) đã tiết lộ HLV trưởng đội tuyển Anh khi đó, Sven Goran Eriksson từng muốn Carlo Cudicini (người Ý), Steed Malbranque, Louis Saha (đều Pháp) và Edu (Brazil) nhập quốc tịch Anh. Clemence đặc biệt phản đối trường hợp Cudicini, khi ông muốn để chỗ cho các thủ môn trẻ người Anh khác. 
 
Fabio Capello cũng gặp phải trường hợp tương tự giống như người tiền nhiệm của mình. Năm 2008, khi dẫn dắt đội tuyển Anh, ông đã xem xét gọi Almunia lên tuyển, nếu cựu thủ môn của Arsenal có hộ chiếu Anh. Và ông lại vấp phải sự phản đối của Clemence, khi đó là HLV thủ môn ở ĐT Anh. “Tôi muốn những thủ môn người Anh ở ĐT Anh”, ông nói. “Đơn giản vậy thôi”. 
 
Capello vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của Clemence
 
Tuy nhiên, trước đó, đội tuyển Anh cũng không thiếu những cầu thủ sinh ở nước ngoài. Graeme Le Saux là một ví dụ. Ông sinh ở St Helier, Jersey (quần đảo Channel) đã chơi 36 trận cho đội tuyển Anh, dù trước đó, ông có thể chơi cho xứ Wales, Scotland, Bắc Ireland và Pháp.
 
Tony Dorigo, thành viên trong đội tuyển Anh tham dự World Cup năm 1990, sinh ra ở Melbourne (Australia). Cha ông là người Ý, mẹ ông là người Úc. Nhưng ông có hộ chiếu Anh theo quy định cư trú và lựa chọn chơi cho đội tuyển Anh, một hoàn cảnh tương tự như Januzaj lúc này.
 
Các quốc gia khác cũng không thiếu những trường hợp như vậy. Ít ai biết rằng, Odenke Abbey, một cái tên Ghana, lại chính là Marcel Desailly, người nâng chiếc cúp vàng World Cup năm 1998. Trong đội tuyển Pháp vô địch năm ấy còn có Lillian Thuram (sinh ở Guadeloupe), Christian Karembeu (sinh ở New Caledonia) và Patrick Vieira (sinh ra ở Senegal).
 
 Desailly và Viera tuy không phải sinh ra ở Pháp nhưng vẫn chơi cho Les Bleus
 
10 năm sau tại Euro 2008, trong số các cầu thủ Tây Ban Nha nâng cúp bạc vô địch châu Âu có Marcos Senna, người sinh ra ở Sao Paulo, Brazil. Anh đã chơi 28 trận cho “La Roja” và là cầu thủ nhập tịch thứ 40 trong lịch sử của Tây Ban Nha. Nên nhớ rằng, số tài năng trẻ của Tây Ban Nha dồi dào và chất lượng hơn nhiều so với ở Anh. 
 
Trong xu hướng toàn cầu hóa, ranh giới về quốc tịch ngày càng trở nên mong manh. Vì thế, Januzaj lựa chọn đội tuyển nào để khoác áo cũng không phải điều gì đó khó hiểu để mà phải lý giải, càng không phải vấn đề để tranh cãi. Anh có quyền quyết định tương lai của chính mình. 

 

(báo bóng đá)