Bong da

Anh

Raheem Sterling - Vươn lên từ sự khinh miệt của Dalglish

Cập nhật: 27/04/2014 06:38 | 0

Ở Jamaica, Raheem Sterling từng chứng kiến những cảnh đâm chém của giang hồ từ thời còn là cậu nhóc. Lớn lên một chút, Sterling từng bị người ta mang nhà tù ra hù dọa. Nhưng trong ký ức của ngôi sao trẻ Liverpool, nhân vật đáng sợ nhất với anh hẳn là… huyền thoại Kenny Dalglish?

Raheem Sterling - Vươn lên từ sự khinh miệt của Dalglish
Raheem Sterling - Vươn lên từ sự khinh miệt của Dalglish
Nhận định và bình luận trước trận Liverpool vs Chelsea

MỘT LẦN VỀ THĂM QUÊ
Một ngày tháng Giêng năm 2012, Raheem Sterling rời nước Anh trở lại Maverley, một thị trấn nghèo nằm ở ngoại ô thủ đô Kingston (Jamaica) để dự tang lễ của ông ngoại mình. Đó là lần đầu tiên ngôi sao chạy cánh Liverpool về thăm cái nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình kể từ khi anh - đứa trẻ 5 tuổi theo mẹ bỏ quê tới nước Anh.

Con đường Reapers Road ở Maverley, nơi gia đình Sterling sinh sống, nơi Sterling ghi bàn thắng đầu tiên vẫn không có gì đổi khác. Nó vẫn bụi mù, xơ xác nghèo và xơ xác buồn. 

Biết tin Sterling về quê dự tang ông, những “đồng đội cũ” kéo tới. Lũ nhóc của cái thời lên 5 đá bóng ở đường Reapers giờ là những chàng trai nhưng Sterling vẫn nhận ra, hoặc rõ ràng hoặc ngờ ngợ. Họ đều là những kẻ thất nghiệp hoặc không có việc làm ổn định, vẫn bẩn thỉu và nghèo đói. 

Một trong những cuộc trò truyện của Sterling với đám bạn cũ được tay phóng viên David Facey của The Sun có mặt tại thời điểm đó ghi lại, là chỉ vài ngày trước khi Sterling trở lại quê nhà, một thằng bạn trong nhóm đá bóng thời thơ ấu đã bị đâm chết ở đường Reapers, cách nhà của Sterling chỉ vài căn. 

Đám bạn kể lại câu chuyện đau thương một cách vô tư, vô cảm và vô vị. Và người nghe - Sterling cũng đón nhận nó một cách bình thản, bởi Maverley là một trong những “kinh đô” bạo lực ở Jamaica và những trò đâm chém, hoạt động băng đảng… Sterling đã tận mắt chứng kiến từ thời thơ ấu. 

Một đứa bạn của Sterling vừa bị đâm chết gần nhà anh, một chuyện bình thường và sau vài câu chuyện mà chuyện nào cũng buồn như đám tang của ông ngoại hay thằng bạn xấu số, ngôi sao Liverpool lại say mê chơi bóng cùng lũ bạn nghèo - những anh bạn may mắn còn lành lặn trên đường phố. Ở Reapers Road, cuộc đời chỉ như thế - với trái bóng là vui.



NHÀ TÙ HAY ĐT ANH?
Sterling sinh ra và lớn lên ở một con phố đầy bạo lực tại Maverley, anh sống cùng ông bà. Khi lên 5 tuổi, Sterling mới được bà mẹ Nadine đón tới London sinh sống. 

Ở Maverley, Sterling là một cậu bé bình thường. Nhưng cái sự bình thường của cậu nhóc đến từ Jamaica ấy lại là bất thường tại London. Không ngôi trường nào chịu nổi những hành vi ngổ ngáo, vô kỷ luật của câu nhóc Sterling và cuối cùng, người ta phải chuyển cậu tới Vernon House Special School - ngôi trường dành cho những cậu học sinh cá biệt.

Ông Chris Beschi, giáo viên cũ của Sterling ở Vernon House từng tiết lộ với Daily Mail: “Sterling phải học ở Vernon House vì cậu ta có những hành vi không đúng mực của một cậu học sinh ở các trường tiểu học khác. Tôi nhớ năm Sterling lên 10 tuổi, tôi có nói với cậu ta rằng, nếu cậu cứ tiếp tục cuộc sống như thế này, năm 17 tuổi, cậu có thể chơi cho ĐT Anh hoặc vào tù ”.

Lời tiên đoán của ông giáo Beschi gần chính xác. Tài năng sân cỏ dường như luôn đi đôi với cái tật của Sterling. Tháng 8/2013, khi chưa đầy 19 tuổi, Sterling đã bị bắt vì tội hành hung bạn gái cũ. Cuối tháng 12/2013, tài năng trẻ của Liverpool tiếp tục xộ khám vì tấn công một người phụ nữ bên ngoài hộp đêm. 

Nhưng may cho Sterling, bởi trong cả hai phiên tòa liên quan tới bạo lực, anh đều được xử trắng án. Giám đốc đào tạo trẻ của Trung tâm QPR, Steve Gallen - người đầu tiên phát hiện ra tài năng của cậu bé 10 tuổi Sterling lại cho rằng: “Sterling là một đứa trẻ ngoan, có đam mê và luôn sống theo bản năng tự nhiên. Cậu ta không hẳn là người xấu”.

Sterling gia nhập Liverpool dưới thời Rafael Benitez từ trung tâm đào tạo trẻ của QPR vào tháng 01/2010 khi anh chưa đầy 16 tuổi. Tại Liverpool, Sterling chơi bùng nổ ở các đội trẻ và được Rafael Beniez kỳ vọng nhất trong số những cầu thủ trẻ ông đưa về Anfield. 

Tuy vậy, khi Benitez chưa kịp khai thác những “mần non” do chính tay ông ươm trồng như Sterling thì ông bị sa thải và huyền thoại Kenny Dalglish trở lại dẫn dắt Liverpool lần thứ 2.

DALGLISH KỲ THỊ CHỦNG TỘC?
Dalglish cũng nhận ra tài năng của Sterling. Hồi tháng 2/2011, Dalglish từng quả quyết sẽ biến Sterling thành cầu thủ trẻ nhất ra sân trong màu áo Liverpool. 

Nhưng phải hơn 1 năm sau, ngày 24/03/2012, tài năng trẻ người Jamaica mới được Dalglish tung vào sân từ băng ghế dự bị trong trận Liverpool thua Wigan 1-2. Kể từ thời điểm đó cho tới khi Dalglish bị sa thải, Sterling chỉ được sử dụng thêm đúng 2 trận nữa, đều từ băng ghế dự bị.

Vì sao Dalglish không trọng dụng Sterling, dù anh gây được thiện cảm từ NHM, giới truyền thông và đặc biệt là… Tottheham, đội bóng rất muốn lôi kéo tài năng trẻ này tới London? Dalglish phủ nhận thông tin “dìm hàng” cậu học trò trẻ quê Jamaica. 

Nhà cầm quân huyền thoại của The Kop quả quyết: “Bất cứ ai tới Liverpool cũng đều có cơ hội. Sterling cũng thế nhưng những gì cậu ta thể hiện là chưa đủ. Tôi cần một Sterling tài năng thực thụ trên sân cỏ chứ không phải trên mặt báo”.

Không ít người cho rằng, Sterling là nạn nhân phân biệt chủng tộc của Dalglish, nhà cầm quân vốn không ưa những cầu thủ da màu. Nên nhớ trong lần thứ 2 trở lại dẫn dắt Anfield, Liverpool trở thành đội bóng của những ngôi sao da trắng, bởi những cầu thủ da màu như Nabil El Zhar hay David N’Gog lập tức bị huyền hoại người Scotland thanh lọc. 

 Anh một cơ hội thể hiện mình là nhờ HLV Brendan Rodgers

Sterling là nạn nhân của Dalglish? Không ít CĐV của The Kop đặt câu hỏi, vậy John Barnes - huyền thoại cũng xuất thân từ Jamaica như Sterling là ai? Chẳng phải huyền thoại da màu này tới Anfied dưới thời Dalglish mùa hè 1987? 

Nhưng trước khi cựu chủ tịch John Smith qua đời, ông tự hào nói rằng, điều tuyệt vời nhất ông làm được cho Liverpool trong kỷ nguyên vàng son dưới thời của mình, là đưa được Dalglish và sau đó là Barnes về Anfield.

Không quy chụp. Nhưng thực tế đã chứng minh, ngoài John Barnes do đích thân ông chủ Smith đưa về, Dalglish không dùng mà chỉ… thải cầu thủ da màu. Đó là lý do Dalglish “nuốt lời hứa” biến Sterling trở thành cầu thủ trẻ nhất ra sân trong màu áo Liverpool cũng như cho anh một cơ hội thể hiện mình, như Brendan Rodgers? 

Dưới bàn tay của Rodgers, Stering không chỉ là “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất châu Âu” hiện nay, hơn thế nữa, như lời ông thầy người Bắc Ireland: “Sterling giờ là chàng trai ngoan ngoãn, biết khiêm nhường trên sân cỏ cũng như ngoài cuộc sống”.


(báo bóng đá)